Mưa thu
Với tôi, mưa thu là một thứ gì đó rất nặng nề, mang nỗi buồn da diết trong từng giọt nước. Mưa thu không nặng như mưa rào mùa hạ, cũng không lất phất như mưa xuân. Người ta còn gọi mưa thu là mưa ngâu – những trận mưa đứt đoạn, rả rích, liên miên như muốn miết nỗi buồn vào sâu thẳm cõi lòng một kẻ lữ khách cô đơn bất chợt ngang qua đời. Mưa ngâu là “trời mưa sụt sùi”, là giọt nước mắt ân tình của vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ, là giọt nước đọng trên mặt kính cửa sổ lăn dài như giọt nước mắt nước mắt ai chưa kịp lau khô.
Mưa thu thường khiến người ta thèm hơi ấm, vì mưa thường đi cùng gió heo may lành lạnh. Nếu là rét buốt như mùa đông, có lẽ người ta lại quên mất nỗi lòng mình vì mải tập trung vào cái buốt. Nhưng gió heo may đến cùng tiếng mưa lát đát đâm vào mái nhà như loài thiêu thân thật khiến người ta chỉ muốn mang nỗi cô quạnh của lòng mình ra mà gặm nhấm, mà mổ xẻ, phân tích, nhớ nhung,..
Mưa thu Hà Nội
Mưa thu thì cô quạnh, nhưng mưa thu Hà Nội không khiến người ta cô đơn hơn, mà khiến người ta gần nhau để giải tỏa nỗi cô đơn đã ngự trị trong cõi lòng xa thẳm. Ở Hà Nội, nhịp sống hối hả dường như đã kéo con người đi xa thật xa khỏi cái gọi là xúc cảm. Người ta chỉ làm và nghĩ, người ta từ chối xúc cảm vì người ta nghĩ xúc cảm không kiếm ra tiền.
Nhưng rồi vào một ngày giữa tháng 8 trời âm u nhẹ, che ô bước giữa dòng nước và dòng người hối hả, nỗi lòng nặng trĩu bỗng muốn thả lỏng, buông mình. Có một nỗi buồn man mác đã nhân lúc ta không để ý mà len lỏi vào đâu đó trong hơi thở. Ta cố ghìm mình để nỗi nghẹn ngào không dâng lên cổ họng, nuốt miếng nước bọt khô khốc để ngăn không cho nước mắt tràn ra khỏi bờ mi thưa. Mưa làm ta nhạy cảm hơn, xúc cảm cũng nhiều hơn. Nhưng ta không từ chối xúc cảm, cũng không muốn từ chối. Vì đơn giản, lúc này ta biết mình đang sống chứ không đơn thuần là tồn tại.
Mưa thu Hà Nội kết nối chúng ta - những người trẻ với nhau, kết nối cả những người phi thế hệ. Bước chân xuống lòng đường ướt nhẹp đã nhận được cuộc gọi của mẹ: “lên đến nơi chưa?”, “có ướt không?”. Lúc ấy, người ta thấy mình trẻ con thêm lần nữa, người ta biết mình vẫn được quan tâm. Và người ta nhớ những trận tắm mưa ngày trước. Cái thời mà ta còn chưa biết buồn trước những cơn mưa, ta vẫn coi mưa là một thú vui cùng bè bạn. Tắm mưa, ướt mưa, ốm vì mưa, bị bố mẹ quát vì nghịch mưa,...ta vẫn nghĩ bố mẹ ghét ta nên mới quát. Đến giờ mới hiểu, quát là dấu hiệu của sự quan tâm. Đến giờ, không phải trận mưa nào cũng được nghe mẹ quát, lại thèm nghe tiếng nói đanh thép ấy lạ thường. Mưa thu Hà Nội khiến người ta kết nối với nhau phi không gian. Ta bắt đầu lo lắng xem có ai đó đang bị ướt? Ta lo lắng, hỏi thăm, quan tâm và bằng một cách nào đó thật vi diệu, sợi dây kết nối hình thành.
Phòng trọ tôi có 3 người – 3 sinh viên từ quê lên thành phố. Đồng thời cũng có 3 chiếc ô – mỗi chiếc giá 5 chục ngàn – cho mỗi đứa. Thế mà cứ mỗi lần trời chuyển sắc âm u hoặc có vài giọt mưa thưa thớt chưa kịp ướt đường đã nhận được tin nhắn: “ có mang ô không đấy?”, “có cần tôi ra đón không?” Mỗi lần như thế, lại thấy yêu mưa thu Hà Nôi lạ lùng. Tôi có một bộ não cá vàng có thể quên mọi thứ, đặc biệt là những vật nhỏ gọn như chìa khóa, khẩu trang, ô,...Nhưng vẫn thầm cảm ơn bộ não ấy, vì nhờ nó tôi được ưu ái nhận nhiều sự quan tâm. Ở cái thành phố mà stress là điều thừa thãi còn quan tâm là sa xỉ này, tôi thấy mình may mắn. 20 tuổi, đôi lần trải qua những trận mưa hòa cùng nước mắt mới càng trân trọng những ngày mưa có nắng trong lòng.
Những ngày mưa lạnh ấy, người ta tìm được hơi ấm từ nhau...
Những ai có bàn tay lạnh vì huyết áp thấp sẽ cực kì hiểu cảm giác này. Cái cảm giác mà...trời chỉ thoáng lạnh bàn tay đã lạnh toát, để trong túi áo hơi lạnh còn lan ra từng thứ vải, đeo găng tay cũng không hết lạnh. Bàn tay ấy chỉ chịu hết lạnh khi được truyền hơi ấm từ một bàn tay khác. Những ngày đầu tháng 8 đi ngoài đường bắt gặp một cơn mưa với gió heo may, ta biết chuỗi ngày ấy đã bắt đầu.
Ngày trước ngồi trong lớp học, bạn ngồi cùng bàn vì biết tôi sợ lạnh và ghét mưa nên cứ mỗi lần trời mưa lạnh thế này lại ủ tay cho tôi, hoặc chờ ngày nắng lên rạng ngời là dắt tôi đi quanh sân trường phơi nắng cho cả phần xác và phần hồn bớt giá. Sau này có những ngày mưa lạnh chỉ biết ngồi trong phòng cuốn chăn nghe tiếng mưa lách cách trên cửa kính mới biết người tình nguyện ủ tay cho mình trong những ngày mưa quý đến mức nào.
Có những ngày mưa đứng chờ xe bus, vô tình bắt gặp một đôi tình nhân nào đó che ô cho nhau, nắm tay nhau bước trên vạch kẻ đường, che chở nhau để không bị ướt, ánh mắt lo lắng cho nhau, một kẻ cô đơn như tôi tự nhiên thấy lòng vui lạ. Chẳng phải mình, chẳng phải chuyện của mình mà lòng mình lại ấm áp hơn đắp ngàn tấm chăn. Cũng có những người chỉ đứng nhìn mưa với ánh mắt xa xăm như muốn gửi ngàn nỗi nhớ. Nhớ nhung cũng là một hình thức của sự kết nối vô hình.
Người ta nói tuổi trẻ như một cơn mưa rào, nhưng cảm xúc của người trẻ đôi khi lại rất giống mưa ngâu – đứt đoạn và da diết. Đôi khi cất nỗi nhớ đi vì bận bịu, nhưng bất chợt một cảnh huống nào đó làm nỗi nhớ lại ùa về. Đôi khi ta từ chối nó, đôi khi lại gặm nhấm nó...nhưng đến cuối cùng, ta vẫn ý thức được nó luôn tồn tại ở một phần sâu thẳm trong mình.